Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2008

HÌNH ẢNH SIÊU ÂM LAO GAN


Hình 3 trường hợp đang điều trị lao có tổn thương gan

HÌNH ẢNH SIÊU ÂM LAO GAN

NGUYỄN THIỆN HÙNG biên dịch
Trung tâm Y khoa MEDIC,Thành phố Hồ Chí Minh

Gan nhiễm lao có khoảng 50-80% các trường hợp chết vì lao phổi. Phần lớn bệnh nhân thuộc vào lớp tuổi thập niên thứ 2 và thứ 3. Biểu hiện lao có trên phim phổi khoảng 35% các trường hợp.
Phân loại lao gan:
a/ lao phổi tiên phát kèm tổn thương lao ở gan
b/ lao kê
c/ lao gan tiên phát
d/ u lao gan (tuberculoma hay áp xe)
e/ lao phổi mạn tính kèm tổn thương lao ở gan
f/ viêm đường mật do lao
Tổn thương gan có thể lan tỏa hay dạng kê. Korn và cs nhận thấy dạng lao gan chung nhất là nhiễm kê với các nốt có đường kính từ 0,5 đến 2mm ở 80% bệnh nhân khi mổ tử thi.
Lao gan dạng kê (từ Jeffrey)
 
Có thể có các nốt lớn hơn, áp-xe hay viêm đường mật do lao nhưng hiếm. Các nốt thường khoảng 2-3 cm là các granuloma trong gan. Các granuloma khổng lồ có thể lớn đến 6 cm. Tỉ lệ vôi hóa các granuloma rất thay đổi có thể đến 50%.
Vàng da tắc mật thường hiếm (nhưng đến 35% ở Philippin theo Alvarez và cs).

Phần lớn tổn thương lao chủ mô gan là dạng kê nên siêu âm không phát hiện được. Tuy vậy thường gặp kiểu gan sáng không đặc hiệu và chủ mô gan echo kém.


Mặc dù hình ảnh CT gan cũng bình thường nhưng có các vùng nhỏ giảm đậm độ rải rác trong mô gan.
Thể nốt lớn là những khối tròn hay bầu dục, thường có nhiều khối có đường viền đều.
Echo các granuloma có nhiều dạng nhưng hầu hết có echo tương đối kém so với chủ mô gan bình thường. Echo dày trong các tổn thương này do vôi hóa.

Granuloma có dạng echo không đặc hiệu vì cùng biểu hiện với tổn thương ác tính.
Nhìn chung, granuloma chiếm khoảng 10% của bệnh gan có sinh thiết : sarcoidosis, tuberculosis, primary billary cirrhosis, lymphoma…
Nguyên nhân do lao chiếm khoảng 8,4% của toàn granuloma, hai dạng chính :
+Dạng micronodular (miliary) tuberculoma
+Dạng macronodular tuberculoma
Xu hướng tăng trong AIDS.


Bing-Sheng Cao et al, The Nodular Form of Hepatic Tuberculosis, J Ultrasound Med 2010; 29:881–888


 


Ultrasound examination of abdomen showing fatty metamorphosis of liver with coalescent tuberculomas in the right lobe of liver, Kishore B. Taori et al, HEPATIC TUBERCULOMAS ASSOCIATED WITH FATTY METAMORPHOSIS OF LIVER: A CASE REPORT, Ind J Tub, 2003,50,43.



Dạng macronodular tuberculoma
- Hiếm hơn, đơn độc hoặc đa ổ, từ 1-3cm, gan lớn lan tỏa
- Siêu âm: echo kém do có vôi nên bên trong có echo dày
- CT scan: giảm đâm độ, không bắt cản quang, có thể có vôi hóa bên trong.
- MRI: T1: giảm tín hiệu và bắt thuốc tương phản,ít dạng tổ ong. T2:Tăng tín hiệu.
- Những dấu hiệu đi kèm : tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, lách lớn, dày phúc mạc,hạch...
Dạng micronodular (miliary) tuberculoma
- Chủ yếu trong giai đoạn lao kê, lâm sàng : gan to, có thể có vàng da hoặc không
- Tổn thương: nốt nhỏ micronodules, khó phát hiện qua chẩn đoán hình ảnh, có thể vôi hóa ở giai đoạn ổn định.
- Siêu âm có hình ảnh gan to với echo dày
- Xạ hình : bắt Gallium-67 rải rác trong gan
- CT Scan: nhiều ổ tổn thương nhỏ li ti : không rõ
- Sinh thiết gan là chẩn đoán xác định.
Chẩn đoán phân biệt
+Micronodular (miliary) tuberculoma : di căn, nấm, sarcoidosis, lymphoma…
+Macronodular tuberculoma: di căn, K gan, áp xe gan do vi trùng...
- Sinh thiết gan dưới siêu âm là phương pháp có thể thực hiện trên nhiều trường hợp và tế bào học là chẩn đoán bắt buộc .

Tóm lại, hình ảnh siêu âm lao gan có thể dày sáng lan tỏa hay có dạng granuloma, có thể lầm với các tổn thương thâm nhiễm khác và tổn thương ác tính.

ABSTRACT
Ultrasound findings of tuberculosis of the liver are a bright diffuse liver or granuloma which includes micronodular (miliary) tuberculoma and macronodular tuberculoma mimicking other infiltrative or malignant lesions of the liver.

Tài liệu tham khảo:
Cem Kaan Parsak, Ismail Hanta, Ahmet Aslan, Omer Alabaz: Isolated Hepatic Tuberculosis Presenting as Cystic-Like and Tumour-Like Mass Lesions, Case Rep Gastroenterol 2008;2:18-21
Gülgün Engin, Bülent Acuna, Gülden Acuna, Mehtap Tunaci:Imaging of Extrapulmonary Tuberculosis Radiographics. 2000;20:471-488.
Hickey N, McNulty JG, Osborne H, Finucane J.:Acute hepatobiliary tuberculosis: A Report of two Cases and a Review of the Literature.Eur Radiol 1999;9(5):886-9
Sakijan AS: Radiologic Manifestations of Hepatobiliary Tuberculosis, Asian-Oceanian Seminars on Diagnostic Imaging, 1996.
___________________________________________________
Đã đăng trong Siêu âm ngày nay Tập 50 - Số 3 / 2008

Xem thêm Hình ảnh siêu âm Lao ổ bụng

HÌNH ẢNH SIÊU ÂM LAO Ổ BỤNG

NGUYỄN THIỆN HÙNG biên dịch
Trung tâm Y khoa MEDIC Thành phố Hồ Chí Minh

Lao ổ bụng do nuốt phải sữa nhiễm trùng hay đàm ở bệnh nhân lao phổi. Có thể từ phổi lan truyền đến các tạng ổ bụng và hạch theo đường máu. Ống tiêu hóa, phúc mạc, hạch, gan và lách có khả năng bị nhiễm kết hợp hay riêng lẻ.

Ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ số lao mới mắc là 150 ca/100.000 dân/năm và chỉ số nguy cơ mắc lao là 3%. Các trường hợp nhiễm lao trên thế giới hàng năm có khoảng 10-20 triệu ca mới với 85% ở phổi và 15% ngoài phổi (lao ổ bụng, lao hạch, lao cột sống, xương khớp, lao màng não, lao sinh dục, viêm tụy, viêm thanh quản, viêm tai).

Trong số các ca ngoài phổi thì 45% là hạch ngoại biên và kế tiếp là lao xương khớp (20%).

Do chẩn đoán khó nên lao ổ bụng không được biết chính xác, ở Mỹ là 0,5-1%. Ở các nước nhiệt đới tỷ lệ mới mắc là 0,2-5%. Thường có 4 nơi hay nhiễm là phúc mạc (75%), ruột non (13%), gan (7,5%) và hạch sâu (1,7%).

Biểu hiện lâm sàng lao ổ bụng rất đa dạng:

+triệu chứng tổng quát: sốt, gày, suy mòn, chán ăn

+các triệu chứng ở bụng tùy cơ quan tổn thương

Khám lâm sàng có thể tìm ra báng bụng, gan lách to hay khối u bụng.

Chẩn đoán hình ảnh giúp xác định vị trí cơ quan tổn thương, trong đó siêu âm là phương tiện nhạy nhưng không chuyên biệt. Thật vậy trong các dạng siêu âm phát hiện cần có các chẩn đoán phân biệt không phải do lao.

Dấu hiệu siêu âm lao ổ bụng là dịch báng trong hay có dây dính, khu trú và có cặn. Ngoài ra còn có hạch phì đại, dày vách ruột, khối mạc nối, tổn thương khu trú trong gan, lách và áp-xe cơ thắt lưng.

PHÚC MẠC:

Jain R và cs đề nghị tiêu chuẩn chẩn đoán sớm và theo dõi điều trị lao phúc mạc tại Ấn độ là dày mạc treo 15mm hoặc lớn hơn và tăng echo mạc treo do tụ mỡ mạc treo, kết hợp với báng bụng, dày mạc nối lớn và phì đại hạch.
RUỘT:

Dong Ho Lee và cs thấy lao ruột có biểu hiện dày vách ruột đối xứng ở hổng tràng, manh tràng hoặc đại tràng lên, nhất là hổng tràng. Các dấu hiệu kèm theo gồm dịch báng, phì đại hạch, bánh mạc nối và co thắt manh tràng.



CÁC TẠNG ĐẶC Ổ BỤNG

20% các tổn thương bụng không có triệu chứng.

THẬN:

Có 3 dạng:

- thận nhỏ với bờ lồi hoặc không đều, không đặc điểm chuyên biệt

- tổn thương u hạt trong chủ mô thận: echo kém tròn hoặc không, không tăng âm sau; tròn giới hạn rõ có tăng âm sau; echo dày có bóng lưng sau

- ứ nước hay dịch cặn (mủ), có thể có xoang thận dày có giảm âm sau.

HẠCH:

Là những khối tròn hay bầu dục có echo kém, thường được phát hiện tình cờ:

- đồng nhất

- hỗn hợp

- vôi hóa

Vị trí thường gặp:

+Cuống gan

+Rốn lách

+Vùng tụy

+Mạc treo

+Sau phúc mạc (ít)

GAN:

4 dạng có thể gặp:

- gan có echo dày đồng nhất

- gan có echo hỗn hợp với các vùng echo kém

- gan có echo hỗn hợp với các vùng echo dày và echo kém

- vôi hóa gan

LÁCH

Có các dạng:

- lách to echo hỗn hợp với các vùng echo dày

- lách to echo hỗn hợp với các nốt echo kém

- lách to echo hỗn hợp với các nốt echo hỗn hợp, echo kém và echo dày

- vôi hóa lách




BÀN LUẬN:

THẬN:

Cần bàn luận với

+Tổn thương u hạt:

-echo kém có thể là ung thư hoại tử có thể là lymphoma. Nếu là lymphoma thì thận lớn ra và thường 2 bên. Nếu có tổn thương lymphoma nơi khác thì càng chắc chắn.

-u hạt có truyền âm thường phải nghĩ là u hoại tử bên cạnh tổn thương lao có caseum nhày.

-u hạt echo dày có bóng lưng có thể là dãn ống thận trước đài thận

-u hạt đặc có thể là hang lao xơ hóa.

+Lao thận thường làm dày xoang thận gây ra giảm âm sau và dãn xoang bài tiết mà không dãn bể thận nhưng phải phân biệt với:

-sỏi bể thận

-u đường bài xuất đặc biệt là u thâm nhiễm bể thận cho hình ảnh giống như lao thận trên siêu âm và CT. Siêu âm có lợi thế nếu như tìm thấy triệu chứng thận khác như hang lao và tổn thương đa ổ.

Cần kết hợp với IVP để chẩn đoán sát hợp hơn. Nếu nghi ác tính nên chọc hút dưới hướng dẫn siêu âm hay CT.

GAN:

Có các chẩn đoán phân biệt như sau:

-Gan to echo dày có thể gặp trong lao kê nhưng cũng gặp với xơ gan hay gan xơ hóa.

-Tổn thương echo kém trong gan có thể là ápxe lao nhưng cũng có thể là lymphoma hay khối u.

-Những tổn thương nốt echo dày không bóng lưng có thể là di căn, adenoma hay u mạch máu. Cần CT chụp mạch trong những trường hợp này.

-Vôi hóa gan gặp trong quá trình u mô hạt (granuloma) (xem Phụ luc Vôi hóa gan).

Khoảng 50-80% các trường hợp chết vì lao phổi có gan nhiễm lao. Phần lớn bệnh nhân thuộc vào lớp tuổi thập niên thứ 2 và thứ 3. Biểu hiện lao có trên phim phổi khoảng 35% các trường hợp.

Phân loại lao gan:

a/ lao phổi tiên phát kèm tổn thương lao ở gan

b/ lao kê

c/ lao gan tiên phát

d/ u lao gan (tuberculoma hay áp xe)

e/ lao phổi mạn tính kèm tổn thương lao ở gan

f/ viêm đường mật do lao

Tổn thương gan có thể lan tỏa hay dạng kê. Korn và cs nhận thấy dạng lao gan chung nhất là nhiễm kê với các nốt có đường kính từ 0,5 đến 2mm ở 80% bệnh nhân khi mổ tử thi. Có thể có các nốt lớn hơn, áp-xe hay viêm đường mật do lao nhưng hiếm. Các nốt thường khoảng 2-3 cm là các granuloma trong gan. Các granuloma khổng lồ có thể lớn đến 6 cm. Tỉ lệ vôi hóa các granuloma rất thay đổi có thể đến 50%.

Phần lớn tổn thương chủ mô gan là dạng kê nên siêu âm không phát hiện được. Tuy vậy có báo cáo kiểu gan sáng không đặc hiệu của siêu âm và chủ mô gan echo kém. Mặc dù CT cũng bình thường nhưng có các vùng nhỏ giảm đậm độ rải rác trong mô gan. Thể nốt lớn là những khối tròn hay bầu dục, thường có nhiều khối có đường viền đều. Echo các granuloma có nhiều dạng nhưng hầu hết có echo tương đối kém so với chủ mô gan bình thường. Echo dày trong các tổn thương này do vôi hóa. Granuloma có dạng echo không đặc hiệu vì cùng biểu hiện với tổn thương ác tính.

Vàng da tắc mật thường hiếm (nhưng đến 35% ở Philippin theo Alvarez và cs). Vàng da thường do hạch quanh ống mật ở cuống gan, theo dây chằng gan tá và vùng quanh tụy. Có thể do kết hợp vừa chèn ép trực tiếp do hạch nhiễm trùng và viêm quanh ống mật. Phì đại hạch có thể do lan truyền theo đường máu do nuốt phải trực khuẩn lao và cấy vào hạch trong ổ bụng là cơ chế thường gặp của lao ngoài phổi. Mặt khác phì đại hạch có thể thứ phát do lan truyền theo đường bạch mạch từ một tiến trình ẩn khác trong ổ bụng.

Tắc mật ngoài gan với dãn đường mật trong và ngoài gan và hạch phì đại ở tĩnh mạch cửa, dọc theo dây chằng gan tá. Dãn đường mật trong và ngoài gan và hạch phì đại ở quanh ống gan phát hiện dễ dàng bằng siêu âm và đặc biệt với CT scan. Nhưng vị trí chính xác chỗ tắc, bề dài và dạng chỗ hẹp thấy rõ nhất bằng chụp đường mật. Hạch phì đại có echo kém nhưng tăng đậm độ ở CT. Phì đại hạch lan tỏa là dấu hiệu chung nhất trong lao ổ bụng, thường có khuynh hướng ở mạc treo ruột và vùng quanh tụy. Chụp đường mật phát hiện những chỗ hẹp bất thường, có bề dài khác nhau và có khi có những xoang đường mật không đều. Mặc dù dạng hẹp đường mật không đặc hiệu cho lao nhưng kết hợp với hạch phì đại và vôi hóa làm tăng thêm khả năng chẩn đoán do lao.

LÁCH:

Cũng giống như ở gan.

HẠCH:

Các dạng tổn thương hạch không đặc hiệu cho lao.

+echo kém hay có echo cũng gặp trong lymphoma hay hạch di căn

+có echo và có vôi hóa là đặc trưng của lao; chỉ gặp vôi hóa hạch ở hạch hodgkin sau xạ trị hay hóa trị hay ở những ca khối hạch lymphoma lớn hoại tử.

+echo hỗn hợp dường như có báo cáo là đặc trưng của lao.

Một số vị trí hạch khó chẩn đoán như ở hạch quanh tụy và thâm nhiễm lao trong tụy. Có tác giả cho thâm nhiễm lao trong tụy là ngoại lệ. Có tác giả cho lao tụy là lao hạch quanh tụy và trong tụy (Botez và Vesco), nhưng lại có nhiều ý kiến nên chọn là lao hạch vùng tụy thì hơn. Các tổn thương tụy không phải là lao mà là xơ hoá do tiếp xúc với hạch lao và cần phân biệt với u tụy.


Như vậy dù không đặc hiệu, siêu âm có thể giúp phát hiện các tổn thương ổ bụng không có triệu chứng các người mang trùng lao. Cơ hội phát hiện này càng nhiều khi bị tổn thương phổi 2 bên (20%). Tần số phát hiện cao hơn nữa khi có triệu chứng bụng gợi ý (50% các trường hợp): vàng da, báng bụng, khối u bụng, đái máu và suy thận.

Tài liệu tham khảo:

1. Bastounis E, Pikoulis E, Varelas P, Cirochristos D, Aessopos A.: Tuberculoma of the spleen: a rare but important clinical entity. Am Surg 1999 Feb;65(2):131-2

2. Chandra S, Srivastava DN, Gandhi D.Splenic tuberculosis: an unusual sonographic presentation. Int J Clin Pract 1999 Jun;53(4):318-9

3. Dafiri R, Zakari S, Iraqui G, Bouzekri M, Imani F: Apport de l’échographie dans la tuberculose des viscères pleins de l’abdomen, J. Radiol, 1990, t.71, No 2, pp 73-79.

4. Dong Ho Lee, Young Tae Ko, Yup Yoon, Jae Hoon Lim: Sonographic Findings of Intestinal Tuberculosis, J Ultrasound Med 1993, 12:537-540

5. Hickey N, McNulty JG, Osborne H, Finucane J. :Acute hepatobiliary tuberculosis: a report of two cases and a review of the literature. Eur Radiol 1999;9(5):886-9

6. Ho PL, Chim CS, Yuen KY : Isolated splenic tuberculosis presenting with pyrexia of unknown origin. Scand J Infect Dis 2000;32(6):700-1 .

7. Jain R, Sawhney S, Bhargava DK, Berry M.: Diagnosis of Abdominal Tuberculosis: Sonographic Findings in Patients with Early Disease, AJR 1995;165:1391-1395.

8. Muneef MA, Memish Z, Mahmoud SA, Sadoon SA, Bannatyne R, Khan Y.: Tuberculosis in the belly: a review of forty-six cases involving the gastrointestinal tract and peritoneum. Scand J Gastroenterol 2001 May;36(5):528-32

9. Sakijan AS: Radiologic Manifestations of Hepatobiliary Tuberculosis, Asian-Oceanian Seminars on Diagnostic and Interventional Radiology (ASDIR), Hong Kong, pp 21-24, October 24-25, 1996.

10.Sharma S, Dey AB, Agarwal N, Nagarkar KM, Gujral S :Tuberculosis: a rare cause of splenic abscess. J Assoc Physicians India 1999 Jul;47(7):740-1

11. Sheikh M, Moosa I, Hussein FM, Qurttom MA, Behbehani AI.: Ultrasonographic diagnosis in abdominal tuberculosis. Australas Radiol 1999 May;43(2):175-9

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2008

VỀ MỘT SỐ DẤU HIỆU THƯỜNG GẶP TRONG VIÊM GAN VÀ XƠ GAN

BS NGUYỄN THIỆN HÙNG biên dịch từ SONOGRAPHY of DIFFUSE LIVER DISEASES, by H Tchelepi - ‎2002, www.jultrasoundmed.org/content/21/9/1023.full


Siêu âm vẫn được dùng theo dõi bệnh nhân trong các giai đoạn viêm gan siêu vi. Có nhiều dấu hiệu siêu âm bất thường nhưng vẫn chưa được công nhận có tính đặc hiệu cho viêm gan cấp và mạn.
Ngay cả khi gan đã chai, kết quả siêu âm có khi còn không tương hợp với kết quả sinh thiết.
Có tác giả dùng thuật toán thống kê mong tìm yếu tố tiên lượng cho viêm gan và xơ hóa gan, như vận tốc tối đa lưu lượng tĩnh mạch cửa và độ dày của vách túi mật để chẩn đoán viêm, còn bề mặt gan, cấu trúc chủ mô và độ dày của vách túi mật để tìm giá trị tiên đoán dương tính cho quá trình xơ (10). Điều này cho thấy dùng siêu âm để chẩn đoán viêm hoặc chai gan thật không đơn giản.

Không có dấu hiệu chuyên biệt của viêm gan cấp nhưng lại có rất nhiều triệu chứng vì có nhiều nguyên nhân gây bệnh. Dấu hiệu siêu âm chung nhất của viêm gan là gan lớn. Gan thường to trong viêm cấp, không to trong viêm mạn, thường gan to thay đổi từ 24,1% đến 30,1% (số liệu của Nguyễn Thiện Hùng và cs, 1996).
Trong giai đoạn viêm gan cấp gan có echo kém (dark liver) thay đổi từ 10,7% đến 12,1%, NTH, đã dẫn). Trong khi đó dấu starry night liver gần đây được đánh giá thực sự không giúp ích gì về lâm sàng (9).
Dày vách túi mật do viêm trực tiếp và phù nề đôi khi hiện diện trong viêm gan cấp, khi men gan tăng cao gần hay hơn 500UI, do lớp cơ và niêm mạc của vách dày lên đối xứng, đặc biệt là trong viêm gan A (2). Dày vách túi mật nhưng không có dịch báng dù không đặc hiệu đôi khi gợi ý chẩn đoán viêm gan cấp trong một số trường hợp.
Gan to và tăng phản âm gan lan tỏa thường thấy trong viêm gan mạn thay đổi từ 14,3% đến 22,4%. Trong khi đó khoảng quanh tĩnh mạch cửa dày và sáng chiếm tỉ lệ từ 7% đến 13,9% (đã dẫn).
Trong viêm gan mạn hoạt động do rượu, các động mạch to ra trên siêu âm Doppler màu vì làm tăng lưu lượng động mạch. Điều này gây ra dấu song mạch trên hình siêu âm thang xám, có thể lầm với giãn đường mật (9).
Đôi khi phát hiện có hạch trong dây chằng gan-tá (3) nhất là trong viêm gan C, ít hơn trong viêm gan B, có tác giả lưu ý có hạch là tình trạng bệnh xấu đi.

Viêm gan mạn thể hoạt động thường thay đổi cấu trúc nhiều hơn viêm gan mạn thể tồn tại, chủ mô gan thô và đường mạch mật giảm sáng, nhưng không giảm âm phần thấp nhiều như gan thấm mỡ. Số liệu của chúng tôi cho thấy echo gan thô thay đổi từ 15,4% đến 17%. Khi gan có rối loạn chức năng trầm trọng, bề mặt gan không đều do tạo nốt, bờ dưới gan cùn và mặt sau gan trở nên lồi. Tỉ lệ có mặt sau gan lồi thay đổi từ 19,4% đến 21,3%, và có cấu trúc hạt thay đổi từ 9,7% đến 13,3% (đã dẫn). Dạng thô hạt (coarse nodular pattern) là yếu tố nguy cơ của biến chứng ung thư tế bào gan nguyên phát, không phân biệt do nhiễm siêu vi gan B hoặc C hoặc B và D (Caturelli và cs, Radiology 2003).



Chai gan là giai đoạn cuối của tổn thương tế bào gan, với đặc trưng là xơ hoá bắc cầu và tái tạo. Hình ảnh siêu âm chai gan gồm thay đổi hình dạng gan, chủ mô không đồng dạng, tạo nốt nhất là trên bề mặt, mạch máu trong gan không còn rõ. Nhưng các dấu hiệu này không đủ độ nhạy và độ đặc hiệu để chẩn đoán chắc chắn chai gan. Tuy nhiên đánh giá độ nhẵn hay tạo nốt bề mặt gan rất có giá trị với đầu dò thẳng có độ ly giải cao. Nốt bề mặt gan có thể là dấu hiệu chai gan duy nhất. Siêu âm 3 chiều giúp thấy rõ bề mặt gan khi có dịch báng.

Thùy đuôi và gan trái tương đối ít bị ảnh hưởng như gan phải. Thùy đuôi thường to ra trong viêm gan mạn. Trong chai gan do viêm gan B, gan phải teo còn gan trái và thùy đuôi phì đại, gọi là tái phân bổ thể tích gan. Tuy vậy chỉ số thùy đuôi/gan phải ít được dùng mặc dù có lô nghiên cứu cho thấy có độ nhạy 43%, và độ chính xác là 79%.
Như vậy, thay đổi cấu trúc trong viêm gan tuy đa dạng nhưng không đặc hiệu và tỉ lệ thay đổi không nhiều làm cho khó chẩn đoán viêm gan bằng siêu âm, dù siêu âm có độ nhạy giúp phân biệt gan bình thường và bất thường. Có ý kiến cho rằng siêu âm không đủ tin cậy trong chẩn đoán chai gan khi đối chiếu với kết quả sinh thiết (7).

Trong khi đó, siêu âm màu giúp phát hiện phổ đảo ngược của tĩnh mạch cửa và tuần hoàn bàng hệ, là dấu hiệu cao áp tĩnh mạch cửa. Đôi khi siêu âm màu thấy được động mạch gan lớn ra và chạy ngoằn ngoèo giống như cái vặn nút chai, do gan xơ cứng và tăng phổ động mạch trong khi giảm lưu lượng tĩnh mạch cửa. Các động mạch giãn lớn này thường có tốc độ cao và có aliasing.
Còn tĩnh mạch cửa thì có phổ đảo ngược và có shunt cửa-chủ, trong khi các tĩnh mạch gan mất dạng 3 pha bình thường và hẹp lòng. Chai gan là nguyên nhân gây cao áp tĩnh mạch cửa thường gặp. Có thể chẩn đoán cao áp tĩnh mạch cửa khi thấy có shunt cửa-chủ hay tĩnh mạch cửa có phổ đảo ngược.
Kích thước của tĩnh mạch cửa bình thường khoảng 10mm, nếu lớn hơn 13mm là có cao áp tĩnh mạch cửa, nhưng kích thước tĩnh mạch cửa còn thay đổi theo lúc hít thở và tư thế bệnh nhân.
Tuy vậy mất thay đổi theo nhịp thở (tăng khẩu kính khi hít vào và giảm khi thở ra) là dấu hiệu cao áp tĩnh mạch cửa. Bình thường máu tĩnh mạch cửa chảy về gan (hepatopetal). Dù có thông với tuần hoàn bàng hệ, dòng tĩnh mạch cửa đảo ngược không chảy về gan (hepatofugal) là dấu hiệu của cao áp tĩnh mạch cửa. Còn có các dòng chảy tĩnh mạch cửa bất thường khác như phổ 2 chiều (bidirectional flow) và static flow, hiếm thấy hơn.
Tuần hoàn bàng hệ thường gặp là tĩnh mạch vị trái (vành vị) và tái lập tuần hoàn rốn và các tĩnh mạch sau phúc mạc, lách-thận, lách-sau phúc mạc, vị ngắn, và mạc nối lớn.

Siêu âm Doppler màu giúp phát hiện nhanh phổ đảo ngược, đôi lúc là dấu hiệu duy nhất của cao áp lực tĩnh mạch cửa, và tuần hoàn bàng hệ vốn khó thấy ở siêu âm thang xám. Nhưng cần nhớ rằng còn có đảo ngược dòng chảy tĩnh mạch cửa nhất thời không liên quan bệnh gan như trong các trường hợp suy van 3 lá và bệnh lý tim. Siêu âm Doppler có độ chính xác cao trong chẩn đoán chai gan dù có dương tính giả (Haktanir và cs, J Ultrasound Med 2005).
Nên dùng tần số thấp 2-3 MHz để khảo sát tối ưu dòng chảy và phổ.

HUYẾT KHỐI TĨNH MẠCH

Siêu âm Doppler màu giúp chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch toàn bộ hay một phần. Có echo trong lòng tĩnh mạch có thể là huyết khối trên siêu âm thang xám nhưng không khẳng định được là cục máu đông. Khi có echo kém hoặc không có echo có thể không thấy đươc cục máu đông nếu không làm siêu âm màu. Siêu âm màu tô viền cục máu đông với dòng chảy chảy vòng quanh. Thường cục máu không có echo hiếm gặp trong bệnh lý ác tính mà gặp trong huyết khối tĩnh mạch cửa lành tính đặc biệt là trường hợp huyết khối cấp tính. Siêu âm màu có thể chẩn đoán chính xác huyết khối tĩnh mạch cửa khi không phát hiện phổ màu trong lòng tĩnh mạch, trong khi có phổ trong mạch máu kế cận có cùng độ sâu.
Huyết khối tĩnh mạch cửa thường do xâm lấn ác tính, huyết khối tĩnh mạch nhiễm trùng, viêm tụy, cao áp tĩnh mạch cửa, chấn thương, và chích xơ tĩnh mạch thực quản qua nội soi.

Siêu âm là phương tiện chẩn đoán hình ảnh đầu tiên để khám cho bệnh nhân có bệnh lý gan. Phát hiện và đánh giá bệnh lý viêm gan cấp có thể khó khăn vì thường chưa biến dạng cấu trúc chủ mô, hay hình dạng gan. Nốt bề mặt, nốt chủ mô hay teo gan thùy phải dùng để chẩn đoán chai gan.
Trong viêm gan mạn và chai gan siêu âm có thể khám thấy gan lớn, tình trạng chai gan (nốt bề mặt gan, giảm chỉ số thùy đuôi/gan phải, và dấu hiệu cao áp tĩnh mạch cửa) với độ nhạy và độ chuyên biệt tốt nhưng không hoàn toàn (9).

Do vậy, siêu âm, vì những giới hạn của nó, không thể đánh giá bệnh lý chủ mô gan một cách hoàn hảo và đáng tin cậy.

----------
Đã đăng trong Siêu âm ngày nay Tập 41–(Số 2)Tháng 3-4/2005

FURTHER READING

EFSUMB – ULTRASOUND of the LIVER

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2008

SIÊU ÂM PHÁT HIỆN TRẬT KHỚP HÔNG

BS NGUYỄN THIỆN HÙNG, Trung tâm Y khoa MEDIC, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt nam.

Phương pháp Terjesen dễ thực hiện, giúp chẩn đóan trật khớp hông trẻ em dưới 3 tháng tuổi. Phương pháp Graf giúp phân lọai khớp hông của quần thể khảo sát và nghiên cứu. Kết hợp cả 2 phương pháp khám cùng lúc làm tăng độ tin cậy khám siêu âm khớp hông ở trẻ em là điều chúng tôi đã thực hiện trong nghiên cứu này.




KẾT QUẢ=

Số liệu trật khớp hông ở nhóm trẻ sơ sinh nguy cơ cao (n=811 bé, 1.622 khớp) của chúng tôi =
Nếu dựa vào
@ Độ che phủ chỏm xương đùi nhỏ hơn 37% (phương pháp Terjesen) = tỉ lệ trật khớp hông là 167/1622 (9,92%).

@ Góc alpha nhỏ hơn 43 độ (phương pháp Graf) = tỉ lệ trật khớp hông là 91/1622 (5,61%)

@ Với 2 phương pháp trên cùng lúc=tỉ lệ trật khớp hông là 60/1622 (3,69%).


Khám siêu âm khớp hông phương pháp động

BÀN LUẬN:

1/ Về tỉ lệ trật khớp hông ở trẻ nguy cơ cao:

            Tỉ lệ trật khớp hông của 3613 trẻ sơ sinh trong 48 giờ sau sanh là 3,4% (Rosendahl, K. 1997). Ở Na uy, 85% trẻ sơ sinh có khớp hông bình thường về hình thái (dựa vào góc a), trong khi 12 % chưa trưởng thành và 3% loạn triển. 80-90% trẻ có thiểu sản ổ cối (dysplasic acetabula) cho thấy chỉ có thay đổi nhỏ và khớp hông bình thường trở lại mà không cần điều trị ở nhiều trường hợp. Trong khi đó, Ortore,P. với 18.388 khớp hông khảo sát từ 3/1986-6/1995 tại Ý có tỉ lệ dương tính là 2,81% theo phương pháp Graf với 0,65% của số này là bán trật. Với Curro,V.(1995) khám siêu âm khớp hông 504 trẻ : 17 bệnh lý (3,3%), 30 giáp biên (6%) và 457 bình thường (90,7%). Ở Áo, tỉ lệ khám siêu âm trật khớp hông là 6,57% (1994)(Grill,F.1997).





Như vậy nên chăng kết hợp cùng lúc 2 phương pháp Terjesen và phương pháp Graf.






2/ Về đối tượng khám:

Teanby,DN. (1997) cho rằng các chương trình tầm soát có mục tiêu (targeted screening programmes) có thể làm giảm xuất độ trật khớp hông muộn phải điều trị mổ. Theo Donaldson,JS (1997) nên khám siêu âm tầm soát có mục tiêu ở trẻ nguy cơ cao (targeting high-risk infants) vào tuổi 4 - 6 tuần. Tại Đức, siêu âm khớp hông là bắt buộc cho các trẻ sơ sinh từ 3 tuần đến 6 tuần tuổi (1).

     

3/ Về phương pháp phát hiện trật khớp hông:

            Donaldson,JS (1997) cho rằng khám lâm sàng cẩn thận vẫn là phương pháp đầu tiên và quan trọng nhất để phát hiện loạn sản khớp hông trẻ sơ sinh. Khám nhiều lần trong năm đầu tiên là quan trọng cho việc chẩn đoán LSKH trong giai đoạn sơ sinh. Siêu âm dùng phát hiện những ca LSKH yên lặng về lâm sàng. Khám siêu âm thêm để phát hiện LSKH nên tầm soát có mục tiêu ở trẻ nguy cơ cao (targeting high-risk infants) vào tuổi 4 - 6 tuần. Khi siêu âm không phát hiện LSKH thì dùng X-quang khung chậu lúc 3 tháng tuổi ở trẻ nguy cơ cao. CT scan và MRI chỉ dùng cho các trường hợp LSKH nặng, thường là khảo sát trước mổ giúp phẫu thuật viên chỉnh hình chọn lựa phương pháp thích hợp.

            Terjesen,T. (1996) khám siêu âm cho 566 trẻ từ 1-23 tháng khảo sát độ che phủ chỏm xương đùi kết luận rằng phương pháp này nhanh chóng và đáng tin cậy cho trẻ 1-2 tuổi, nếu siêu âm được dùng như là phương pháp chẩn đoán hình ảnh đầu tiên, có thể hủy bỏ chỉ định dùng X-quang cho 95% trẻ mà lâm sàng nghi là LSKH vì khớp hông của chúng vốn dĩ bình thường.

            Holen,KJ.(1998) phát hiện 108/202 ca sơ sinh trật khớp hông với độ che phủ chỏm xương đùi trung bình là 37%, trong khi 94/202 ca bình thường có độ che phủ chỏm xương đùi trung bình là 53%.



4/ Về tương quan giữa các phương pháp phát hiện:

4.a. Với siêu âm:

 Graf,R. (1997) cho là siêu âm khớp hông vẫn còn là vấn đề tranh cãi ở nhiều nước, do những yêu cầu khác nhau của chẩn đoán. Về nguyên tắc, các phương pháp của Harcke, Terjesen và Suzuki giúp phân biệt sự trật khớp nhưng các phương pháp này không đánh giá sụn hyalin sẽ trở thành mái ổ cối (acetabulum roof). Đặt xéo đầu dò khi khám có thể làm chẩn đoán sai, và siêu âm 3D giúp tăng cường khả năng chẩn đoán.

            Czubak,J. (1998) đối chiếu phương pháp Graf và Terjesen ở 657 trẻ sơ sinh, tỉ lệ LSKH theo Graf là 3,9% và theo Terjesen là 2,9%.

4.b. Giữa siêu âm và lâm sàng:

Rosendahl,K. (1997) đối chiếu lâm sàng và siêu âm ở 3613 trẻ sơ sinh trong 48 giờ sau sanh, phát hiện 123 ca trật (3,4%) với 55 ca (45%) tương hợp về lâm sàng và siêu âm, 52 ca (42%) chỉ dựa vào siêu âm và 16 ca (13%) chỉ dựa vào lâm sàng. Holen,KJ. (1998) phát hiện 108 ca sơ sinh trật khớp hông với độ che phủ chỏm xương đùi trung bình là 37%, trong số 202 ca nghi trật khớp hông khi làm nghiệm pháp Ortholani và Barlow (143 ca không ổn định và không kết luận được 59 ca).

4.c. Giữa siêu âm và X-quang:

 Joseph,KN (1997), nêu lên sự không nhất quán giữa siêu âm và X-quang với 4.984 ca có 48 ca không tương hợp (0,96%). Melzer, C.(1997) nhận thấy sự không nhất quán giữa siêu âm và X-quang thường xảy ra khi đường viền của ổ cối (acetabulum) không tương ứng với phần giữa (mid-portion) mà với phần trước hay phần sau (ventral or dorsal section) của ổ cối.

KẾT LUẬN:

Áp dụng tỉ lệ độ che phủ chỏm xương đùi  nhỏ hơn 37% (phương pháp Terjesen) và phương pháp Graf trong khám siêu âm khớp hông có lợi ích trong 4 tháng đầu tiên, khi điểm cốt hóa ở chỏm chưa xuất hiện rõ trên phim X-quang. Với siêu âm trẻ tránh được nhiễm tia, hơn nữa, có thể khám đi khám lại nhiều lần để có chẩn đoán chắc chắn và cũng để theo dõi kết quả tập vật lý trị liệu.

Kết quả thu thập được của chúng tôi nhìn chung phù hợp với y văn, và công trình vẫn đang tiếp tục triển khai để phát hiện LSKH ở trẻ sơ sinh ở mẫu nghiên cứu rộng hơn.
                                         

Lời cảm ơn:
Chúng tôi xin cảm ơn bác sĩ Nguyễn thị Thanh Bình và các bác sĩ Khoa Sơ sinh bệnh viện Phụ Sản Từ Dũ, và bác sĩ Nguyễn văn Công, bác sĩ Lưu Hồng Sơn (Khoa X-quang Medic) đã nhiệt tình hợp tác thực hiện đề tài này.

Abstract: Ultrasound on Developmental Dysplasia of the Hip of the Newborns.
TRAN NGAN CHAU-NGUYEN THIEN HUNG, MEDIC MEDICAL CENTER, HCMC, VIETNAM

Objective: The aim of this study is shown the roles of ultrasound in detecting and following–up in the developmental dysplasia of the hip (DDH).
Methods: A cross- sectional prospective study of ultrasound on 1,622 hip joints of 811 under-9-month-old babies who have high risk (family history of DDH, breech presentations, club foot deformity or metatarsus adductus on clinical examination…) . We use the Graf’s method ( alpha and beta angle) and the Terjesen’s method ( the proportion of femoral head coverage) for investigation the studied population.
Results


Conclusion: Ultrasound plays an important role in detecting and  following-up DDH in early days after birth, instead of screening with the standard pelvis X-ray. Terjesen’s method is  more simple and sensitive than Graf’s method.

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2008

MẤT GIÃN TÂM VỊ (ACHALASIA of the CARDIA)

NGUYỄN THIỆN HÙNG Trung tâm Y khoa MEDIC Thành phố Hồ Chí Minh


Là tình trạng rối loạn hoạt động thực quản đoạn cuối làm cản trở chất được nuốt đi qua thường là chất lỏng hơn là chất đặc. Sự khó nuốt xảy ra bất cứ tuổi nào, tăng dần chậm chạp qua nhiều năm. Đôi khi có trào ngược thức ăn không tiêu, đôi khi có đau nhiều sau xương ức do co thắt thực quản. Định bệnh thường bằng chụp thực quản có cản quang.
Điều trị bằng cách nong chỗ hẹp, tiêm botulinum trong cơ hoặc mổ tách cơ ở tâm vị.

Tuy nhiên siêu âm qua ngã bụng có thể phát hiện achalasia ở bệnh nhân khó nuốt dựa vào: dày vách thực quản, ứ đọng dịch trong thực quản, giãn thực quản ở đoạn xa, và dấu mỏ chim.

Dày vách thực quản không nhiều, còn thấy rõ các lớp vách thực quản, với đầu dò siêu âm qua ngã bụng 3,5MHz. Điều này giúp phân biệt u vách thực quản hay sẹo gây co rút. Bảng kê sau giúp minh hoạ bề dày vách thực quản bình thường , không quá 3mm, và khi mất giãn (achalasia).



Ứ đọng dịch thực quản thường thấy sau khi cho bệnh nhân uống nước (34/35 ca, 94%).
Giãn thực quản ít thấy khi bệnh nhân nhịn ăn (6/7 ca theo Sezgin O.). Theo Eckardt VF., trung bình thực quản giãn 20mm (14-25mm).


Chúng tôi thấy thực quản đoạn cổ cũng giãn lớn, nhất là khi uống nước, còn lúc không ăn uống, thực quản cổ có biến dạng ở các mặt cắt dọc và ngang. Giãn thực quản đoạn xa, đoạn ngực, đoạn cổ do rối loạn hoạt động cơ trơn thực quản đoạn cuối.
Có hiện tượng mất hoàn toàn nhu động nguyên phát và thứ phát cơ trơn thực quản đoạn xa trong khi chức năng cơ vân đoạn trên thực quản vẫn bình thường. (Cơ thực quản đoạn trên là cơ vân, chuyển tiếp dần thành cơ trơn từ đoạn giữa, và 1/3 dưới hoàn toàn là cơ trơn, 2 lớp cơ vòng ở trong và cơ dọc phía ngoài). 3-4 cm đoạn xa thực quản có 1 vùng tăng áp lực lúc nghỉ được gọi là cơ thắt dưới thực quản (lower esophageal sphincter, LES).
Achalasia hầu như do bất thường của nơ-ron hơn là do bệnh cơ nguyên phát. Các tổn thương thường ở nhân lang thang lưng (dorsal vagal nucleus) trong thân não, trong dây thần kinh lang thang X và trong các hạch thần kinh cơ (myenteric ganglia) trong vách thực quản. Thứ hai, cơ thắt dưới thực quản (LES) không giãn hoàn toàn khi nuốt. Thứ ba, áp lực cơ thắt dưới thực quản (LES) vẫn cao. Hiện tượng mất nhu động và tồn tại vùng áp lực cao ở khúc nối dạ dày thực quản gây ứ đọng chất nuốt vào và chất tiết của miệng trong thực quản, cùng với hiện tượng mất trương lực và giãn dần thân thực quản.
Dấu mỏ chim (bird beak) rất dễ phát hiện trên siêu âm B–mode sau khi bệnh nhân uống nước (xem hình). Ý nghĩa của dấu mỏ chim là nơi hẹp do mất giãn của thực quản đoạn xa.


Tóm lại siêu âm qua ngã bụng có thể tham gia phát hiện và chẩn đoán chứng mất giãn tâm vị, cũng như theo dõi điều trị sau nong. Siêu âm còn giúp phân biệt nguyên nhân u và hẹp do sẹo loét khúc nối thực quản dạ dày.



ABSTRACT: Transabdominal sonography clearly shows the regular thickening of the esophageal wall, water retention, dilatation of the distal esophagus, and the bird's beak appearance in patients with achalasia. Sonography may help in differentiating achalasia from carcinoma and peptic stricture of the gastroesophageal junction and follows up patients in treatment with balloon dilator (or others: surgical myotomy and recently, long-acting nitrates and calcium channel blocking agents).

SONOGRAPHIC FINDINGS of ESOPHAGEAL ACHALASIA TRUNG CHI HO, NGUYEN THIEN HUNG, MEDIC MEDICALCENTER, HCMC, VIETNAM

Abstract

PURPOSE: There are reports using transabdominal ultrasonography to detect the gastroesophageal junction through the left lobe liver window in patients with achalasia. This study further characterizes the sonographic features of achalasia after patient swallowing an amount of water by mouth in comparison to baryum esophagography and chest X-ray films.
METHODS: Transabdominal ultrasound was performed in 25 patients with achalasia (15 male and 10 female), 8 cases in 16-25yo and 17 cases in 25-45yo. This is a retrospective study from 2010 to March 2012 in our center.
RESULTS: The mean esophageal wall thickness was 6.79+/-1.67 mm. Sonographic features were regular hypoechoic thickening of the wall at the gastroesophageal junction. Dilated lumens of the distal esophagus were seen in all achalasia patients, with mean value of 27.5+/-5.5mm. CONCLUSION: Although transabdominal ultrasonography is not a diagnostic tool for achalasia, it provides interesting sonographic information. It is a useful, non - invasive diagnostic aid in differentiating patients with primary achalasia from those with neoplastic lesions at the gastric cardia.

REFERENCES=
1: Eckardt VF, Schmitt T, Kanzler G: Transabdominal ultrasonography in achalasia Scand J Gastroenterol. 2004 Jul;39(7):634-7.
2: Sezgin O, Ulker A, Temucin G: Sonographic findings in achalasia. J Clin Ultrasound. 2001 Jan;29(1):31-40.
3: Seng-Kee Chuah et al: Sonographic findings in achalasia, Chang Gung Med J Vol. 32 No. 2, March-April 2009.
4. Tanomkiat W, Chongchitnan P: Transabdominal sonography of gastroesophageal junctions. J Clin Ultrasound. 1999 Nov-Dec;27(9):505-12.

KHẢO SÁT CHỈ SỐ ĐẬP PULSATILE INDEX (PI) của ĐỘNG MẠCH LÁCH TRONG CHAI GAN và VIÊM GAN MẠN

Bs NGUYỄN THIỆN HÙNG
Trung tâm Y khoa MEDIC HÒA HẢO, Thành phố Hồ Chí Minh.

ĐẶT VẤN ĐỀ:
Bên cạnh việc khảo sát hình thái cấu trúc gan, hệ tĩnh mạch Cửa và các tĩnh mạch gan, các chỉ số cản RI của động mạch Gan riêng và chỉ số đập PI động mạch Lách còn gíup chẩn đoán sớm xơ hoá gan (fibrosis) và chai gan (cirrhosis).

Chúng tôi áp dụng kỹ thuật đo chỉ số đập PI của động mạch Lách để góp phần phát hiện xơ hoá gan (fibrosis) và chai gan (cirrhosis) trong các trường hợp viêm gan mạn.

ĐỐI TƯỢNG và PHƯƠNG PHÁP:
Gồm 58 trường hợp viêm gan mạn lâm sàng chọn ngẫu nhiên (32 nữ và 26 nam), tuổi từ 34 - 77. 02 ca có tái lập tuần hoàn rốn và giãn tĩnh mạch lách được loại, còn lại 56 ca.
Sử dụng máy siêu âm màu SONOVIEW TOSHIBA 6000, COMBISON 550 KRETZ và NEMIO 30 TOSHIBA để đánh giá hình thái gan, tm Cửa, đgm Gan riêng và đgm Lách cùng lúc.
Bệnh nhân nhịn ăn sáng trước khi khảo sát, tư thế nằm ngửa, nín thở ngắn lúc khảo sát các mạch máu. Kết quả được so sánh với số liệu của các tác giả khác (xem bảng kê).
Một nhóm bệnh nhân khác được đối chiếu với kỹ thuật đo độ đàn hồi gan Fibroscan (báo cáo riêng).

KẾT QUẢ:
Có 40 / 56 ca có chỉ số đập PI động mạch Lách >1,2 (từ 1,25—1,77), trị số PI trung bình là=1,431±0,179. Theo PERISIE 2005, 40 ca này được xếp loại chai gan.

Có 16 / 56 ca có chỉ số đập PI động mạch Lách <1,2 (từ 0,88---1,18), trị số PI trung bình là 1,028±0,085. 16 ca viêm gan mạn lâm sàng này chưa có dấu hiệu chai gan theo xếp loại của PERISIE.

BÀN LUẬN và KẾT LUẬN: Khảo sát động mạch Lách ở các bệnh nhân viêm gan mạn tương đối đơn giản, có thể lập lại nếu cần. Chen-Hua Liu 2007 nhấn mạnh độ chính xác của chỉ số đập PI động mạch Lách trong khảo sát tình trạng nặng của xơ hóa gan ở bệnh nhân viêm gan mạn do nhiễm HCV và giúp giảm việc sinh thiết gan để phân độ. Kết quả cho thấy đo chỉ số đập PI động mạch Lách giúp đánh giá nhanh diễn tiến bệnh lý viêm gan mạn. Có thể khắc phục tình trạng lệ thuộc vào người khám bằng cách kết hợp với các kỹ thuật khác như Fibroscan, các thông số siêu âm mạch máu gan khác đo lưu lượng như tĩnh mạch Cửa, chỉ số cản RI động mạch Gan riêng, và hình thái cấu trúc siêu âm gan.






ABSTRACT

PURPOSE= to report the value of pulsatile index (PI) of splenic artery in chronic liver diseases.
MATERIALS and METHODS= descriptive, cross-sectional study on 56 patients (30 male and 26 female) with clinical data being chronic liver diseases.
RESULTS= With the cut-off value of PI splenic artery=1.2 there are 40/56 cases belong cirrhotic stage (mean PI= 1.431±0.179 > 1.2) and 16/56 cases which are in fibrosing stage (mean PI= 1.028±0.085). So we detected 40/56 cases of cirrhosis among 56 cases chronic liver disease by chance.
DISCUSSIONS and CONCLUSIONS= By the PI index of splenic artery Color Doppler ultrasound, a non invasive test for chronic liver diseases, can detect and evaluate the staging of chronic liver diseases. Meanwhile it is necessary to combine with other technics to reduce the dependent factors.

Tài liệu tham khảo chính:
1. Iwao T, Toyonaga A , Oho K , Tayama C , Masumoto H , Sakai T , Sato M , Tanikawa K:Value of Doppler ultrasound parameters of portal vein and hepatic artery in the diagnosis of cirrhosis and portal hypertension. Am J Gastroenterol. 1997 Jun; 92(6):1012-7.
2: Kayacetin E , Efe D , Doğan C :Portal and splenic hemodynamics in cirrhotic patients: relationship between esophageal variceal bleeding and the severity of hepatic failure. Hepatology. 1996 May; 23(5):1035-40.
3: Piscaglia F , Donati G , Cecilioni L , Celli N , Stagni B , Pini P , Gaiani S, Gherlinzoni F, Bolondi L: :Influence of the spleen on portal haemodynamics: a non-invasive study with Doppler ultrasound in chronic liver disease and haematological disorders. Scand J Gastroenterol. 2002 Oct;37(10):1220-7.
4. Chen–Hua Liu, Shih–Jer Hsu, Jou–Wei Lin, Juey–Jen Hwang, Chun–Jen Liu, Pei–Ming Yang, Ming–Yang Lai, Pei–Jer Chen, Jun–Herng Chen, Jia–Horng Kao, Ding–Shinn Chen: Noninvasive Diagnosis of Hepatic Fibrosis in Patients With Chronic Hepatitis C by Splenic Doppler Impedance Index . Clinical Gastroenterology and Hepatology, Vol 5, Issue 10, October 2007, pp.1199-1206.